Phải chăng đã qua thời đa số các nhà sản xuất ô tô coi việc không trực tiếp nói xấu đối thủ (nếu không bị công kích trước) là luật bất thành văn?
Những năm chìm trong khủng hoảng đã khiến các nhà sản xuất ô tô hung hăng hơn khi thị trường bắt đầu hồi phục. Trong lễ ra mắt xe Lincoln MKZ hôm 10/1 vừa qua tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2012, ông Jim Farley, giám đốc marketing của Ford, đã công kích Lexus và BMW.
Các nhà sản xuất ô tô Đức cũng chế giễu các xe Cadillac ATS và Lincoln MKZ của Mỹ, nói rằng đó không thực sự là những đối thủ. “Chúng tôi không sản xuất xe tải, taxi hay xe buýt,” ông Ludwig Willisch, giám đốc BMW Bắc Mỹ, nói. “Chúng tôi không sản xuất những chiếc sofa có bánh - và chúng tôi không dán lại mác xe bình dân rồi bán như xe sang.”
Các hãng Đức thậm chí còn công kích lẫn nhau. Đầu tháng 1/2012, Mercedes đã hoãn công bố doanh số năm 2011 tại Mỹ vì ngờ rằng BMW sẽ sửa doanh số để có thể trở thành hãng xe sang lớn nhất.
“Tam đại gia” của ngành ô tô Mỹ - GM, Ford và Chrysler - tự tin hơn vào khả năng bảo vệ sự tăng trưởng khiêm tốn mà họ có được trong năm 2011. Họ hiểu rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ trở lại thị trường với đầy đủ sản phẩm sau khi rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung do thiên tai ở châu Á trong năm 2011.
Và các công ty như Nissan, với thị phần tăng lên trong năm 2011, sẽ không lùi bước. “Tôi muốn nhiều hơn thế,” CEO Carlos Ghosn tuyên bố. Ông muốn tăng thị phần của công ty ở Mỹ từ 8,2% lên 10%.
Bob Lutz, cựu chủ tịch GM, cho rằng các hãng ô tô của Mỹ đã thực sự lấy lại được sự tự tin.
“Một số công ty lớn của Nhật đang mất động lực trong việc cải thiện thiết kế, công nghệ động cơ và nhận thức của người tiêu dùng, còn ba đại gia ngành ô tô Mỹ đang trên đà sáng tạo tốt nhất,” ông Lutz nói. “Cũng phải kể đến yếu tố may mắn. Hiện tại, các hãng xe Mỹ đang được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng đô-la, khiến các công ty nước ngoài rất khó cạnh tranh bằng hàng nhập khẩu.”
Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley cho biết các nhà sản xuất ô tô sẽ giới thiệu 65 mẫu xe mới trong năm nay và 85 mẫu vào năm sau.
Các nhà sản xuất ô tô đang sẵn sàng “giao chiến”, với sự chuẩn bị đầy đủ cả về sản phẩm và chiến dịch marketing.
Toyota đã cho dựng một biển quảng cáo ở trung tâm Cobo, nơi đang diễn ra Triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2012, để quảng cáo xe Camry Hybrid, với lời đề: “Xin lỗi nhé, Fusion”.
Đáp lại, Ford đã nói xấu Toyota Camry và Honda Accord, hai đối thủ cạnh tranh của Fusion. “Khi xảy ra suy thoái, họ lao dốc cùng toàn ngành ô tô,” một video quảng cáo xe Fusion nói. “Có thể bạn không nhận ra rằng Camry và Accord chưa bao giờ hồi phục. Chúng bị mất thị phần từ hơn một năm trước khi xảy ra thảm hoạ động đất và sóng thần năm 2011 ở Nhật.”
Honda cũng không chịu ngồi yên.
“Nhiều đối thủ cạnh tranh đang tranh thủ giành lợi thế khi Honda phải giảm một nửa công suất,” ông John Mendel, giám đốc Honda Mỹ, nói khi giới thiệu xe Accord thế hệ thứ 9 sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay. “Họ tạm thời giành lợi thế một vài vòng đua trong lúc chúng tôi vào đường pit. ... Chúng tôi đang trở lại với tổng lực.”
Jim Press, cựu lãnh đạo Toyota và Chrysler, cho rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại thị phần tại Mỹ. “Sẽ khó phục hồi hơn trước đây vì nhiều đối thủ cạnh tranh hơn,” ông Press nói.
Khi được hỏi về những cạnh khoé của BMW và Mercedes-Benz đối với mẫu Cadillac ATS mới ra mắt, chủ tịch Mark Reuss của GM Bắc Mỹ không hề phản pháo. Ông cho biết mẫu xe mới cần được sự tôn trọng. “Chúng tôi sẽ phải chứng minh điều đó. Cuộc chơi không hề dễ dàng. Chúng tôi ở đây là để cạnh tranh và giành chiến thắng, vì thế chẳng nên đánh giá thấp bất cứ ai trở lại sau thiên tai,” ông nói. “Họ đều sẽ trở lại với tổng lực, có thể thấy rõ điều đó ngay trong triển lãm này.”
CEO Sergio Marchionne của Chrysler cho rằng cần thận trọng với sự hồi phục của ngành ô tô Mỹ. “Hãy khiêm tốn và cúi đầu. Sẽ phải rất cẩn thận. Khi nhận giải thưởng, bạn nên nằm xuống và đợi cho cảm giác chiến thắng lắng xuống,” ông Marchinone nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét