- Sau khi chủ cũ là tập đoàn General Motors từ chối đưa ra kế hoạch vực dậy, nhãn hiệu Saab của Thụy Điển đã đệ đơn xin phá sản hôm thứ hai vừa qua.
Đây là động thái đặt dấu chấm hết cho cuộc đấu tranh sinh tồn của Saab sau khi bị rao bán cho một công ty thậm chí đã không sản xuất xe từ nhiều tháng nay. Trong chiến lược đấu tranh cuối cùng, thương hiệu Thụy Điển thậm chí còn "cầu cạnh" sự giúp đỡ từ những hãng xe Trung Quốc như Zhejiang Youngman Lotus. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị GM, nhà cung cấp chính của Saab, phủ nhận.
“Sau khi nhận bản dự toán chi phí quản lý kinh doanh đối với Saab của tập đoàn GM, hãng Youngman đã thông báo không thể tiếp tục quá trình tái cơ cấu nhãn hiệu Thụy Điển”, đại diện công ty Swedish Automobile, chủ sở hữu Thụy Điển của Saab, tuyên bố. “Hội đồng quản trị của Saab sau đó đã quyết định, nếu công ty không thể tìm được nhà tài trợ thì việc nộp đơn phá sản sẽ là giải pháp tốt nhất đối với các chủ nợ”.
GM từ chối "tung phao cứu hộ" khiến Saab phải đệ đơn xin phá sản.
Dự kiến, đơn phá sản của Saab sẽ được tòa án nhanh chóng thông qua. Swedish Automobile thậm chí còn nhấn mạnh, họ “không trông đợi có thể nhận bất kỳ khoản tiền nào từ phần cổ phiếu trong Saab”.
Sự sụp đổ của một thương hiệu
Tháng 2/2010, tập đoàn GM đã bán thương hiệu Saab cho hãng Swedish Automobile. Kể từ đó, Saab đã được các chủ nợ chấp thuận bảo hộ và bắt đầu chiến dịch kêu gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 7/12, ông Guy Lofalk, quản trị viên do tòa án bổ nhiệm cho Saab, đã đệ đơn xin kết thúc quá trình tái cơ cấu với lí do nhãn hiệu Thụy Điển đã cạn kiệt nguồn tài chính. Cũng theo ông Lofalk, Saab không còn hy vọng để giành lại chỗ đứng trên thị trường.
Cùng ngày hôm đó, ông Victor Muller, CEO của hãng Swedish Automobile, cho biết, Saab đã thương thảo với nhà sản xuất xe hơi Youngman và một ngân hàng Trung Quốc để được bảo hộ khoản vay nợ 82 triệu USD. Đến ngày 17/12, GM tuyên bố không chấp nhận các điều khoản được đưa ra vì về cơ bản, chúng chẳng khác gì những đề xuất họ đã từ chối trước đó.
Cái chết đang gần kề của Saab đồng nghĩa với việc mẫu crossover 9-4X sẽ không còn cơ hội được tung ra thị trường.
Saab hiện đang cung cấp việc làm cho khoảng 3.600 công nhân, bao gồm 3.400 người ở Trollhattan, Thụy Điển. Doanh số bán hàng của thương hiệu Saab đạt 133.000 xe vào năm 2006 và liên tục trượt dốc trong những năm gần đây. Năm 2010, doanh số của công ty chỉ dừng lại ở mức 31.696 chiếc. Swedish Automobile, người chủ mới của Saab, đã lên kế hoạch vực lại nhãn hiệu Thụy Điển với mục tiêu bán ra 120.000 xe và bắt đầu sinh lời trong năm 2012.
Sau khi khôi phục lại từ tuyên bố phá sản năm 2009, Saab đã trở thành một trong 4 cái tên sẽ bị GM "khai tử" hoặc chuyển nhượng. Nhãn hiệu Thụy Điển đã chính thức đình chỉ hoạt động vào tháng 3 đầu năm khi công ty không đủ sức chi trả khoản nợ cho các nhà cung cấp. Sau đó, dây chuyền sản xuất hoạt động khá thất thường và dẫn đến đơn xin phá sản của Saab.
Theo Automotive News
0 nhận xét:
Đăng nhận xét