Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Những nhân vật quyền lực nhất ngành ô tô năm 2012

Tạp chí Motor Trend tổng hợp danh sách 50 nhân vật quyền lực nhất ngành ô tô không chỉ dựa trên những gì họ đã làm trong quá khứ và tầm nhìn cho tương lai, mà còn dựa trên thành công của doanh nghiệp mà họ dẫn dắt.

2011 là một năm có nhiều xáo trộn của ngành công nghiệp ô tô thế giới - tốt có, xấu có, chủ quan có và khách quan cũng có. Cụ thể, tương lai của General Motors (GM) - “người khổng lồ” một thời của ngành công nghiệp ô tô thế giới đã sáng sủa hơn. Lần đầu tiên sau 3 năm mất ngôi vương, GM đã lại tạm thời là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới xét về doanh số, nhờ sự mở rộng thương hiệu Chevrolet ở châu Âu, châu Á và một số nền kinh tế đang phát triển.

Tạm đứng thứ hai (vì chưa có thống kê doanh số cả năm 2011) là Toyota, đang phải chật vật giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung do thảm họa động đất và sóng thần lịch sử tại Nhật hồi đầu tháng 3.

Volkswagen đang bám sát GM và Toyota, nuôi tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2018.

Ford năm nay tiếp tục theo đuổi chiến dịch One Ford - chiến dịch phát triển một sản phẩm cho thị trường toàn cầu, như Escape và Fusion thế hệ mới.

Liên minh đang được chú ý nhất là Fiat và Chrysler. Với ban lãnh đạo mới, Chrysler đã trả hết nợ cứu trợ của chính phủ Mỹ và Canada, nâng thị phần tại Mỹ trở lại 10,5%, từ mức 8,8% trong suốt giai đoạn bảo hộ phá sản năm 2009, và bắt đầu có lãi.

Trong bối cảnh đó, hãy cùng điểm qua những nhân vật quyền lực sẽ đứng sau guồng quay và rất có thể góp phần làm thay đổi cục diện ngành công nghiệp ô tô thế giới trong năm 2012, theo đánh giá của tạp chí Motor Trend:

1. Sergio Marchionne

Chủ tịch kiêm CEO của Chrysler, CEO của Fiat

Vị trí năm 2011: 9

Sergio Marchione được xem là hình ảnh nhà lãnh đạo ô tô của tương lai.

Dưới sự điều hành của ông Marchionne, Chryler dù chưa có lợi nhuận đáng kể trong năm 2011, nhưng quan trọng là đã nhanh chóng hồi sinh, với các mẫu xe đáng khen như Jeep Wrangler và Chrysler 200 mới. Tin vui là Chrysler đã thanh toán hết nợ nần với chính phủ Mỹ và Canada trước hạn những 6 năm. Ông Marchionne quyết tâm sớm trả hết nợ một phần vì không muốn lãi suất “ăn” làm hết lợi nhuận của Chrysler. Tất nhiên vị lãnh đạo nào cũng muốn vậy, nhưng không phải ai cũng “nói được, làm được” như Marchionne. Ông đã thành công mà không phải hy sinh bất kỳ thương hiệu nào - Dodge, Ram, Jeep, Chrysler, Fiat, Alfa Romeo, và Lancia. Bóng đen của thời kỳ bảo hộ phá sản 2009 có vẻ đã tan, phía trước Chrysler đang là một tương lai sáng.

2. Chung Mong Koo

Chủ tịch Hyundai Motor

Vị trí năm 2011: 5

Những tham vọng của ông Chung Mong Koo khiến nhiều đối thủ lại lo sợ.

Hyundai và đồng minh Kia (Hyundai nắm 70% cổ phần) đã đạt được mọi mục tiêu mà ông Chung đặt ra trong những năm qua. Các đối thủ, từ Toyota đến Volkswagen, Ford và GM, không còn dám “coi thường” hai hãng xe Hàn Quốc này, dù là sau lưng.

Tính cạnh tranh của xe Hyundai và Kia nằm ở thiết kế và các trang bị chứ không phải giá bán. Hiện tại, Hyundai chỉ còn thua Ford khoảng 27.000 xe để tiến đến vị trí nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới. Nếu hãng sớm giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung xe Sonata để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, thì hoàn toàn có thể soán ngôi Ford. Tương lai đang hoàn toàn tươi sáng với Hyundai.

3. Alan Mulally

CEO của Ford Motor

Vị trí năm 2011: 1

Chất lượng và thiết kế là hai vấn đề quan tâm lớn nhất của ông Alan Mulally trên cương vị lãnh đạo Ford.

Tài lãnh đạo của ông Alan Mulally thể hiện bằng 9 quý có lãi và việc đều đặn nâng cấp, ra mắt sản phẩm mới của Ford.

Vấn đề ông cần giải quyết trong năm 2012 là chất lượng hộp số PowerShift và cải tiến thiết kế hệ thống thông tin giải trí MyFordTouch để doanh số không bị ảnh hưởng. Ông Mulally tuyên bố: “Ford là một công ty công nghệ, chứ không phải nhà sản xuất ô tô”.

4. Martin Winterkorn

Chủ tịch hội đồng quản trị Volkswagen AG

Vị trí năm 2011: 4

Volkswagen không còn dưới triều đại của Piech, mà là Winterkorn. Ông đang có những thay đổi hợp lý hơn cho toàn bộ danh mục sản phẩm. Mục tiêu của Volkswagen là soán ngôi Toyota về doanh số, rồi sẽ tới GM.

Chiến lược của ông tại Bắc Mỹ là dùng mẫu Passat mới cạnh tranh trực diện với một trong những mẫu xe toàn cầu của Ford là Fusion/Mondeo.

5. Mark Reuss

Chủ tịch GM Bắc Mỹ

Vị trí năm 2011: 6
2012 là năm quan trọng trong sự nghiệp của ông Mark Reuss

Chủ tịch GM Bắc Mỹ có gì cho năm 2012? Chevrolet Malibu, Spark, Cadillac ATS và XTS; những nâng cấp cho xe Chevy Traverse, GMC Acadia, và Buick Enclave. Mục tiêu cạnh tranh của mẫu Cadillac ATS là xe BMW 3 Series.

Theo ông Mark Reuss, Cadillac sẽ chứng minh rằng xe hạng sang của Mỹ có thể cạnh tranh với bất cứ xe nào tốt nhất thế giới.

GM đã thực sự thay đổi sau giai đoạn khủng hoảng 2008-09.

6. Ferdinand Piech

Chủ tịch Volkswagen AG

Vị trí năm 2011: 2

Ferdinand Piech được mệnh danh là người đàn ông “có xăng trong máu”

Mục tiêu của Volkswagen trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2018 là do chính vị chủ tịch không biết đến khái niệm “lùi bước” này đặt ra. Trong ngành ô tô đang có tin đồn rằng đa số thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn Volkswagen ủng hộ nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm lần thứ 3 của ông Piech. Nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ kết thúc vào ngày 19/4/2012, chỉ hai ngày sau khi ông bước sang tuổi 75, và người ta vẫn tin tưởng vào sự sáng suốt của ông.

7. Walter de Silva

Giám đốc thiết kế của Volkswagen Group

Vị trí năm 2011: 11

Ông Walter de Silva được xem như nhạc trưởng của “bản giao hưởng” Volkswagen, Audi…

Ông là người phụ trách toàn bộ hoạt động thiết kế của tập đoàn Volkswagen. Một trong những nhiệm vụ của ông là đảm bảo “bộ mặt” mới của Volkswagen phải xuất hiện trên tất cả các thể loại xe, từ xe con đến crossover nhằm tạo sự đồng nhất và đặc điểm nhận dạng rõ ràng dù xe được sản xuất và bán ở thị trường nào.

8. John Krafcik

Chủ tịch kiêm CEO của Hyundai Mỹ

Vị trí năm 2011: 10

Người đứng sau thành công của Hyundai ở Bắc Mỹ

Trong khi toàn ngành ô tô Mỹ phải vất vả duy trì doanh số thì Hyundai lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Tính đến hết tháng 10/2011, doanh số của hãng tại Mỹ đã vượt doanh số của cả năm 2010.

Vai trò của ông Krafcik? Đi theo tinh thần của Chủ tịch Chung, ông đã biến Hyundai từ chỗ là một thương hiệu ô tô giá rẻ ở Mỹ trở thành thương hiệu cạnh tranh sát sườn với Toyota, VW, và Honda. Thiết kế của hãng hấp dẫn những khách hàng thích cái mới, sự năng động.

Việc lớn trước mắt ông cần giải quyết trong năm 2012 là tăng sản lượng xe Sonata để đáp ứng nhu cầu thị trường.

9. Dan Akerson

Chủ tịch kiêm CEO của General Motors (GM)

Vị trí năm 2011: 27

Khi lên lãnh đạo GM, ông Dan Akerson tuyên bố sẽ khôi phục địa vị “Tiêu chuẩn của thế giới” của Cadillac và biến Chevrolet thành một thương hiệu toàn cầu. Có vẻ như tham vọng đó sắp được thực hiện. Ngoài ra, ông đã dẫn dắt GM đi qua 7 quý hoạt động có lãi, nắm giữ 19,7% thị phần ô tô Mỹ.

Việc cần làm trước tiên của ông Dan Akerson trong năm 2012, theo tạp chí Motor Trend là cải thiện chất lượng xe.

10. Norbert Reithofer

Chủ tịch BMW AG

Vị trí năm 2011: 25

Thị trường ô tô hạng sang đã phát triển đáng kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế. Ông Reithofer dự đoán năm 2011 sẽ kết thúc bằng một loạt doanh số kỷ lục và mức lợi nhuận trước thuế mới của BMW cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Mặt trái? BMW đang chạy theo số lượng và thị trường đại chúng hạng sang, ít nhiều sẽ phải hy sinh tính năng vận hành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons